Chắc hẳn đâu đó trong đời sống hằng ngày, chúng ta từng nghe khái niệm hàng VietGap, rau VietGAP, củ quả VietGAP, … Vậy VietGAP là gì? Quy định cho các nhóm ngành, sản phẩm nào? Và quy trình chứng nhận ra sao?. Ở nội dung sau đây, KYODO xin trình bày cơ bản về Tiêu chuẩn này để quý bạn đọc được nắm bắt chi tiết hơn.
1. VietGap là gì?
VietGap là viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Vietnamese Good Agricultural Practices – Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam.
Khái niệm GAP ra đời từ 1997 tại Châu Âu, sau đó phát triển thành hệ thống EurepGAP và cuối cùng là GLOBALGAP – là tiêu chuẩn quy trình chuẩn quốc tế cho tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các sản phẩm liên quan đến nông nghiệp là rau củ quả, động vật, gia súc, thủy sản.
Lịch sử phát triển VietGAP
Năm 2006, tổ chức ASEAN – Hiệp hội các nước Đông Nam Á dựa trên cơ sở của GLOBALGAP, phát triển và công bố Tiêu chuẩn AseanGAP dành chung cho các nước thành viên. Từ đó, các nước thành viên ban hành các mẫu quy định GAP phù hợp hơn với từng hoàn cảnh và đặc thù địa lý riêng.
Từ 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã ban hành tiêu chuẩn riêng dựa trên GAP, lấy tên là VietGAP. Tiêu chuẩn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với các mặt hàng, sản phẩm thuộc các nhóm ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.
Tiêu chuẩn này bao gồm các bộ quy tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn các cá nhân hoặc tổ chức doanh nghiệp sản xuất, thu hoạch, xử lý bảo quản nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức khỏe và phúc lợi của người sản xuất và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn cũng đề cập đến các vấn đề về bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản xuất.

Ngoài ra, các nước khác còn có các tiêu chuẩn riêng theo từng quốc gia như: ThaiGap, MalaysiaGAP, JanpanGAP, IndiaGAP, ChinaGAP, …
Xem thêm: Chứng nhận tiêu chuẩn BRCGS là gì? Vai trò trong lĩnh vực thực phẩm
2. Các tiêu chí đánh giá sản phẩm phù hợp theo “Thực hành sản xuất nông nghiệp VN”
- An toàn thực phẩm: Hướng dẫn, quy định, thủ tục quy trình sản xuất và bảo quản thực phẩm đảm bảo không chứa hóa chất, nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi đến tay người tiêu dùng.
- Kỹ thuật sản xuất: Các quy định về kỹ thuật sản xuất từ khâu chuẩn bị, thiết lập môi trường, chọn giống, phân bón đến thu hoạch sản phẩm tùy theo từng lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản.
- Môi trường làm việc: Môi trường thực hành tốt sản xuất, đảm bảo quyền lợi và sức khỏe cho người lao động, nông dân.
- Nguồn gốc sản phẩm: Tiêu chuẩn này nhằm đảm bảo người tiêu dùng dễ dàng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, nhận biết dầy đủ các thông tin chính xác về doanh nghiệp chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm.
3. Phạm vi và quy trình đánh giá tiêu chuẩn VietGAP
- Đánh giá độ phù hợp về lựa chọn vùng sản xuất
- Chủng loại, con giống, cây giống, lai tạo, cấy ghép
- Quản lý đất, thổ nhưỡng
- Phân bón và chất phụ gia
- Nguồn nước, tưới tiêu
- Hóa chất sử dụng – Phân bón vô cơ và chất bảo vệ thực vật
- Thu hoạch, xử lý sau thu hoạch, bảo quản
- An toàn lao động trong quá trình sản xuất, nuôi trồng
- Quản lý và xử lý chất thải, nước thải, quản lý an toàn môi trường
- Lưu trữ hồ sơ, xử lý ghi chép hồ sơ
- Đánh giá nội bộ
- Quy trình xử lý giải quyết khiếu nại
Hiện tại ở nước ta, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam khuyến cáo tham khảo thực hiện theo 3 loại chính đó là: VietGAP trồng trọt; VietGAP chăn nuôi; VietGAP thủy sản.

VietGAP được áp dụng cho các mặt hàng, sản phẩm chi tiết như sau:
- Lĩnh vực trồng trọt: rau củ quả tươi, chè búp tươi, lúa, cà phê,…
- Lĩnh vực chăn nuôi: Bò sữa, bò thịt, dê, lợn, gà, ngan, vịt, ong,…
- Lĩnh vực thủy sản: Cá tra, cá rô phi, tôm sú, tôm chân trắng,…
Xem thêm: Tiêu chuẩn Kosher là gì?
4. Quá trình triển khai VietGAP như thế nào?
Giai đoạn đầu tiên: khảo sát
Đánh giá hiện trạng, cơ sở vật chất của khu vực sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Khảo sát đánh giá và lên kế hoạch triển khai các hoạt sản xuất, nuôi trồng để xem xét độ phù hợp với các tiêu chí VietGAP. Các nội dung cơ bản xoay quanh kế hoạch về: phương pháp canh tác, thói quen nuôi trồng, sử dụng phân bón, hóa chất, quy trình thu hoạch bảo quản,… Từ đó, cải cách và đưa ra các biện pháp đáp ứng tốt hơn các tiêu chí VietGAP.
Giai đoạn 2: Đào tạo tiêu chuẩn, xây dựng hệ thống
Đào tạo nhân lực nhận thức về VietGAP. Thực hiện các cải cách, các biện pháp đào tạo, xây dựng vận hành hệ thống của cá nhân, tổ chức phù hợp để thực hành sản xuất tốt nông nghiệp. Doanh nghiệp và tổ chức tư vấn chứng nhận thực hiện giám định triển khai quy trình, hướng dẫn cụ thể thực hiện công việc, thiết lập hồ sơ ghi chép, lưu hồ sơ, chuẩn hóa quá trình.
Giai đoạn 3: Đánh giá nội nộ
Để thực hiện và đạt được chứng nhận VietGAP, doanh nghiệp cần giám sát và theo dõi việc thực hiện quy trình một cách nghiêm khắc. Phát hiện và thực hiện khắc phục các vấn đề chưa đạt, ghi chép và lưu lại các biểu mẫu cho các công đoạn, quá trình. Tự đánh giá và cải tiến liên tục để phù hợp với tiêu chuẩn.
Giai đoạn 4: Đánh giá cấp chứng nhận VietGAP từ các tổ chức chứng nhận
Tổ chức, doanh nghiệp sau khi đã hoàn thành các giai đoạn trên, cần đăng ký tại các tổ chức đánh giá chứng nhận VietGAP. Các chuyên gia từ các tổ chức này sẽ đến khảo sát và đánh giá thực trạng, kiểm tra quá trình và kiểm nghiệm sản phẩm đạt yêu cầu. Các tổ chức này sẽ cấp chứng chỉ VietGAP theo TCVN 11892-1:2017.
Các tổ chức đánh giá cấp chứng nhận thực hành sản xuất tốt nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay có thể kể đến như: TQC, G-Global, TĐC Lâm Đồng, FCC, VinaCert, VSCB, VietCert …
5. Lợi ích khi áp dụng tiêu chuẩn Thực hành sản xuất nông nghiệp Việt Nam
– Tăng năng suất, chất lượng cây trồng/vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm.
– Là bằng chứng khách quan cho sản phẩm sản xuất được, để tăng tính cạnh tranh trên thị trường, tạo tiền đề cho việc xuất khẩu nông nghiệp, thủy sản.
– Làm thay đổi tập quán, thói quen, hành vi sản xuất, tạo sản phẩm đảm bảo an toàn chất lượng, bảo vệ môi trường, góp phần làm cho xã hội giảm bớt được chi phí y tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của xã hôi.
– Toàn bộ chuỗi sản xuất sẽ được kiểm soát chặt chẽ, hình thành được quy trình sản xuất đạt chuẩn, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, ổn định. Phòng tránh được các vấn đề rủi ro liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.
– Sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP dùng làm thực phẩm là nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng cho công nghiệp chế biến, đảm bảo chất lượng đầu ra của sản phẩm.

Đạt chứng nhận VietGAP, sản phẩm sẽ mang lại niềm tin cho người tiêu dùng và đối tác, là công cụ hữu hiệu để thực hiện các chiến dịch quảng cáo marketing của doanh nghiệp.
Xem thêm: